icon date 11-04/2018

Thị trường bất động sản Thành phố Thái Nguyên dậy sóng bởi sự vào cuộc của nhiều chủ đầu tư lớn

Thành lập từ năm 1962, thành phố Thái Nguyên đã có bề dày 56 năm xây dựng và phát triển. Năm 2012, thành phố được nâng cấp thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hiện nay, thành phố Thái Nguyên trở thành trung tâm, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của toàn bộ vùng trung du miền núi phía Bắc và là một trong những trung tâm đào tạo, giáo dục lớn nhất cả nước.

Theo các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bất động sản thì tiềm năng dồi dào về nguồn cung – cầu từ thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Thái Nguyên là rất lớn. Bởi nhu cầu ở ngày càng phình ra trong khi quỹ đất chỉ có vậy. Nắm được tình hình đó, hàng loạt các dự án bất động sản của nhiều chủ đầu tư “khủng” trong và ngoài tỉnh liên tiếp đã được tung ra, làm dậy sóng cả thị trường bất động sản vốn đã rất sôi động của thành phố Thái Nguyên những năm gần đây.

Sự có mặt của 2 nhà thầu lớn là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Tập đoàn Phúc Lộc tham gia thi công hạ tầng tại thành phố Thái Nguyên cùng các “đại gia” bất động sản có tên tuổi như: Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty Cổ phần Thái Hưng, Công ty Cổ phần Tecco, Công ty Cổ phần Đầu tư Picenza Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng APEC, Công ty Cổ phần Bất động sản Detech Land, Tập đoàn Cosy, Công ty San nền Thái Nguyên (nay là Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên)… đã khiến cho thị trường bất động sản của vùng đất Xứ Trà như nhộn nhịp hơn, tấp nập hơn.

Các khu đô thị mới, khu dân cư, tòa nhà thương mại mới với quy mô “hoành tráng” liên tục được thi công xây dựng, mọc lên vô số kể theo đúng lộ trình Điều chỉnh quy hoạch thành phố Thái Nguyên (do Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt từ năm 2016). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề khác cũng chuyển sang đầu tư, xây dựng mảng bất động sản tại Thái Nguyên, góp phần làm cho thị trường địa ốc trên địa bàn thành phố “thép” càng thêm đông đúc, náo nhiệt.

Định hướng theo Quy hoạch đến năm 2030 đó là: Phát triển các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, trung tâm vui chơi giải trí, xây dựng nhiều khu đô thị mới nằm dọc theo hai bên bờ sông Cầu và một phần không gian Hồ Núi Cốc; Hệ thống hạ tầng giao thông trong nội thành có quy hoạch đồng bộ, kết nối khu vực đô thị truyền thống với các vùng đô thị mới để tạo cảnh quan kiến trúc đô thị hiện đại; Địa giới thành phố cũng được mở rộng thêm 5 xã, thị trấn chính là điều kiện tiên quyết để phát huy tiềm năng dồi dào từ nguồn đất và các dự án bất động sản, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa.

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc (do Doanh nghiệp Xuân Trường làm chủ đầu tư) đã được giải phóng mặt bằng và chính thức bán đấu giá cho những nhà đầu cơ lớn. Có người “ôm” tới hàng chục lô đất để kinh doanh trôi nổi theo thị trường và ở thời điểm “nóng”, họ còn nhanh chóng đẩy được giá lên tới vài chục triệu đồng/m2. “Cơn sốt” đất trên trục đường Bắc Sơn năm 2017 đã mang lại cho các nhà đầu cơ số tiền “ngoạn mục” bởi giá đất lên tới đỉnh (trên 25 – 35 triệu đồng/m2) mà các “thượng đế” vẫn vui lòng “móc hầu bao” miễn có được mảnh đất “vàng” cho thỏa niềm ao ước…

Đất tại các khu dân cư và chung cư những năm qua cũng liên tục được xoay vòng trong các giao dịch mua và bán. Giá bất động sản ở khu dân cư quy hoạch tại thành phố Thái Nguyên giao động từ vài triệu đồng/m2 lên đến vài chục triệu đồng/m2. Giá các căn hộ chung cư giao động từ 7-13 triệu đồng/m2. Khu dân cư, chung cư, khu đô thị mới được đầu tư xây dựng hầu như đều nhanh chóng bán hết quỹ đất hoặc bán vãn các căn hộ đang xây tại nhiều tòa còn đang dang dở, chưa hoàn thiện.

Trước năm 2018, vô số những dự án “khủng” đã được thành phố Thái Nguyên cấp Giấy phép đầu tư đó là: Dự án Khu đô thị và chung cư TBCO, TBCO1, TBCO RIVERSIDE (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ làm chủ đầu tư) tại phường Quang Vinh có quy mô 14,26ha, 11 tòa nhà từ 6-25 tầng, 2 tòa tháp đôi, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Eco City (Công ty Cổ phần Thái Hưng) có quy mô 354,23m2 tại phường Gia Sàng, có tổng vốn đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng; Dự án bất động sản của Công ty Tecco tại Phường Thịnh Đán (diện tích 2,1ha, 6 tòa tháp 32 tầng, 2.200 căn hộ, tổng đầu tư 1.800 tỷ đồng) và Dự án bất động sản cũng của Công ty này tại Phường Hoàng Văn Thụ (diện tích 4.300m2, xây dựng 2 tòa tháp 21 tầng, 370 căn hộ, tổng đầu tư 270 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị Picenza (Công ty Cổ phần Đầu tư Picenza Việt Nam) tại phường Đồng bẩm, diện tích 114ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng…

Ngoài ra còn có các dự án bất động sản được cấp phép ở mức vài trăm tỷ như: Dự án bất động sản tại phường Đồng Quang (của Công ty Cổ phần Havico) với diện tích 13,6ha, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án xây dựng Tổ dân phố số 5, phường Gia Sàng (Tập đoàn Cosy) có diện tích 14ha, tổng đầu tư 293 tỷ đồng; Dự án bất động sản tại Phường Phan Đình Phùng (Công ty Cổ phần Đại Nam) có diện tích 2.200m2, 12 tầng, 160 căn hộ, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng; Dự án bất động sản tại Phường Phan Đình Phùng (Công ty cổ phần TNG Thái Nguyên) có diện tích 4,5 ha, đã khởi công xây dựng 1 tòa nhà 21 tầng, với 210 căn hộ, vốn đầu tư ban đầu 120 tỷ đồng… và rất nhiều các dự án lớn, nhỏ khác trên địa bàn thành phố như: Trung tâm Tài chính – Thương mại FCC (đường Hoàng Văn Thụ), Tòa cao tầng Thương mại Kim Thái (đường Hoàng Văn Thụ), Tòa nhà cao tầng POMIHOA (đường Phan Đình Phùng)…

Hoạt động đầu tư, giao dịch bất động sản đã tạo ra nguồn thu lớn cho thành phố Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Năm 2017, tại quê hương Xứ Trà, nguồn thu từ tài nguyên đất đạt tới trên 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng số tiền thu ngân sách của toàn thành phố. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa như hiện nay, thành phố Thái Nguyên được đánh giá là thành phố có tiềm năng lớn về phát triển thị trường bất động sản không những của miền Bắc mà còn trên cả nước.

Dự án Khu nhà ở xã hội Đất Vượng – Phượng Hoàng tại Bắc Giang do TTB Group làm chủ đầu tư

Chủ đầu tư bất động sản “rắn mặt” nhất trên quê hương Xứ Trà là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB Group) cũng bị cạnh tranh quyết liệt bởi đội ngũ đông đảo các “đại gia” tứ xứ về “khuynh đảo” trên địa bàn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự sáng tạo đi đầu trong lĩnh vực xây dựng chung cư tại Thái Nguyên, TTB vẫn thắng lợi và dẫn đầu về nguồn doanh thu cũng như số lượng chuỗi sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Từ 2012 – 2018, TTB đã đưa gần 1000 căn hộ vào thị trường thành phố Thái Nguyên. 100% số căn hộ tại Khu chung cư TBCO, TBCO1 đã bán róc. Các dự án bất động sản khác của TTB đều có hiệu ứng tốt từ khách hàng và nhà đầu cơ. Chiến lược của TTB trong thời điểm hiện nay là tiến công mạnh thêm cả thị trường bất động sản Bắc Giang và các tỉnh lân cận. Lực lượng cổ đông tham gia thị trường chứng khoán mã TTB ngày càng đông đảo và sôi động không kém thị trường bất động sản thành phố Thái Nguyên đã đẩy giá cổ phiếu TTB từ 8,5 nghìn đồng/cổ phiếu (7/2017) lên 17,6 nghìn đồng/cổ phiếu trong thời điểm hiện tại (11/4/2018).

Kim Phượng